Bạn là người may mắn nếu có những người đồng nghiệp đồng thời cũng chính là những người bạn thân thiết. Nhưng kể với những người bạn thân-đồng nghiệp này “tất tần tật” mọi chuyện trên đời có thể đem lại cho bạn những hậu quả không mong muốn.
5 chủ đề tuyệt đối không nên “kể lể” với đồng nghiệp |
Không phải ai cũng có may mắn được làm việc hàng ngày bên những người vừa là đồng nghiệp vừa là bạn, có sự kết nối về cảm xúc và đồng điệu về tâm hồn. Đối với hầu hết mọi người, mối quan hệ đồng nghiệp là dễ chịu, thân thiện và ấm áp, nhưng vẫn bị hạn chế bởi các quy định về nghề nghiệp và khoảng cách tôn trọng cần có.
Nhận thức được ranh giới giữa một mối quan hệ bạn bè thực sự và bạn ở công sở là tốt, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tôn trọng ranh giới này đồng nghĩa với việc duy trì kiểm soát xem bạn nên chia sẻ bao nhiêu và giữ kín những gì trong môi trường công sở. Điều đó cũng có nghĩa là bạn cho phép những người đồng nghiệp lựa chọn mức độ “kể đến đâu” mỗi khi họ quyết định chia sẻ chuyện gì đó với bạn.
Nếu bạn muốn duy trì được ranh giới đó, hãy ghi nhớ những chủ đề dưới đây. Đó là những chủ đề mà bạn nên hạn chế tối thiểu chia sẻ với đồng nghiệp. Trong những cuộc đối thoại, trò chuyện ở công sở, hãy tránh hết sức có thể những câu chuyện như vậy:
1. “Vậy chừng nào thì các cậu sẽ chuyển tới sống chung/mua nhà/sinh thêm đứa nữa?”
Hãy dành những lời chúc mừng ấm áp cho đồng nghiệp khi họ đạt được những cột mốc trong cuộc sống cá nhân. Nhưng khi thể hiện sự quan tâm, hãy thận trọng với những câu hỏi mà bạn đưa ra. Đừng hỏi những câu với thái độ dò xét, đào sâu đời tư của người khác. Cho dù bạn có ý thân thiện đến nào, thì nếu đồng nghiệp không thích những câu hỏi như vậy, họ sẽ cho là bạn soi mói và phiền phức.
2. “Thế chưa là gì. Chuyện của tôi còn kinh hơn nhiều…”
Đừng cố gắng ra vẻ “hơn người”, nhất là ở nơi làm việc. Nếu một ai đó chia sẻ những chuyện kiểu như chi tiết một cuộc phẫu thuật gan hay chuyện cháu trai họ bị tai nạn xe hơi, bạn hãy chỉ lắng nghe mà thôi. Hãy thể hiện sự quan tâm bằng những câu hỏi tôn trọng mức độ chia sẻ của họ. Nếu bạn cảm thấy câu chuyện của mình có thể giúp ích cho người đồng nghiệp đó hoặc làm sáng tỏ tình huống của họ, hãy kể câu chuyện của bạn. Nhưng nếu bạn chỉ muốn giành sự tập trung về phía mình, thì tốt nhất đừng kể gì cả.
3. “Cậu đã nghe chuyện giữa A và B, C và D… chưa?”
Một câu chuyện ngồi lê đôi mách ở công sở có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái trong chốc lát. Đó cũng là một cách để những người đồng nghiệp xích lại gần nhau và giúp những nhân viên mới hơn cảm thấy hòa đồng. Nhưng những câu chuyện “tám” lành mạnh hoàn toàn có thể trở thành độc hại nếu nó liên quan tới việc chỉ trích một ai đó vì những hành vi 1) không ảnh hưởng đến ai, 2) có thể được kiểm soát, hoặc 3) có thể là kết quả của những tình huống mà nhóm “buôn chuyện” không hiểu được.
Than thở về một vị sếp độc đoán là một chuyện. Nhưng chỉ trích một đồng nghiệp vắng mặt và không được bảo vệ, một người có thể đang phải đối mặt với những thách thức cá nhân, lại hoàn toàn là một chuyện khác.
4. “Đôi khi, tôi cảm thấy tuyệt vọng/bất hạnh/quá tải”.
Cũng giống như bạn tôn trọng mức độ chia sẻ thông tin của người khác, bạn hãy thể hiện sự tôn trọng tương tự với mức độ chia sẻ của chính mình. Đừng tiết lộ bất kỳ chuyện gì có thể dẫn tới sự đánh giá của người khác hoặc đặt bạn vào thế bị “tấn công”. Bạn làm việc tại nơi này không có nghĩa là bạn có nghĩa vụ phải tin tưởng tất cả những người ở xung quanh mình.
Khi bạn ở giữa những người bạn thực sự và người thân trong gia đình, sẽ là khôn ngoan nếu bạn cởi mở và để những người mà bạn thương yêu và tin tưởng tìm cách giúp đỡ bạn. Nhưng ở công sở, mọi chuyện hoàn toàn khác. Trên thực tế, nếu những người xung quanh bạn ở công sở xem khó khăn của bạn như một mối đe dọa đối với công ty và cảm thấy buộc phải lựa chọn giữa người này và người kia, họ có thể sẽ hành động thay mặt cho công ty, thay vì hành động cho bạn. Nghe thì có vẻ “tàn bạo”, nhưng đó là chuyện luôn xảy ra.
5. “Tôi biết nhiều hơn cậu/làm việc tốt hơn cậu/là một nhân viên giá trị hơn cậu”.
Bạn có thể nói những câu này theo hàng nghìn cách khách nhau, nhưng tất cả đều không được hưởng ứng ở công sở. Trong sâu thẳm mỗi người, ai cũng có mong muốn là người nổi trội hơn, có quyền lực hơn người khác. Nếu bạn đang muốn khẳng định vai trò của mình và phần thưởng của sự khẳng định đó xứng đáng với những rủi ro đi kèm - chẳng hạn bạn mất sự tôn trọng, vốn liếng xã hội, đồng minh và bạn bè, thì hãy cứ tiến lên phía trước. Nhưng ngay khi những người xung quanh nhận ra trò chơi của bạn, tất cả sẽ chấm hết, và bạn thua cuộc.
Có một cách thông minh hơn để giành ảnh hưởng và tập hợp những người khác đi theo bạn, đó là nâng đỡ họ. Nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng bạn càng biết khen ngợi, chia sẻ thành tích, đưa người khác vào vị trí trung tâm, và đánh giá cao họ hơn bạn, thì bạn sẽ càng thăng tiến nhanh hơn.
Phương Anh-Theo US News
Tags:
kĩ năng mềm