Đứng trước vành móng ngựa, nữ phạm nhân Trần Thị Yến Linh (Sinh năm 1970, Ngụ huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) không hề tỏ ra nao núng trước câu hỏi HĐXX.
Bị cáo Linh cúi gầm mặt sau khi kết thúc phiên tòa
Cách cô trả lời y hệt như đang diễn một vở tuồng trên sân khấu mà cô là nhân vật chính. Lúc thì rưng rưng nước mắt, ăn năn hối hận. Lúc thì ra quanh co lằn nhằn đến độ ngớ ngẩn.
Chân dung ô sin đội lốt nữ "đạo tặc"
Linh sinh ra ở Tiền Giang nhưng sau đó theo gia đình lưu lạc đến Trà Vinh lập nghiệp. Do gia đình không có điều kiện nên từ nhỏ Linh đã không được đi học đến nơi đến chốn, nhưng do sáng dạ Linh cũng đọc viết được dăm ba câu và có thể viết được tên mình. Cha mẹ và anh em đã mất từ lâu, tứ cố vô thân một mình bươn chải, Linh lang thang khắp nơi gặp được người “tâm đầu ý hợp” cả hai nên vợ nên chồng có được thằng con trai kháu khỉnh. Tưởng cuộc đời đã mỉm cười với Linh, ngờ đâu khi có được mặt con chồng quay ra lãnh đạm rồi cả hai chia tay, Linh sống cuộc đời làm bà mẹ đơn thân.
May mắn không bỏ mặc bà mẹ một mình chăm con như Linh khi gặp được vợ chồng anh Nguyễn Phú Sơn (tại Trung Mỹ Tây –Quận 12) khi gia đình anh được trung tâm giới thiệu cho Linh, người có tính tình hiền lành chân thật vui tính, mức lương khởi điểm 2,5 tr/tháng.
Công việc hàng ngày của Linh ngoài chăm sóc nhà cửa tiện thể chăm luôn hai đứa con nhỏ khi vợ không có ở nhà. Linh luôn thể hiện tính siêng năng, nhanh nhẹn, nói nói cười cười để làm hài lòng chủ. Tối đến Linh còn mang kinh kệ ra đọc khiến vợ chồng anh Sơn rất hài lòng và tin tưởng cô ô sin “lỡ bước sa cơ” của nhà mình.
Không được bao lâu, Linh mạnh miệng than thở với gia chủ mình đang rất cần tiền để lo cho một người bạn, không được đáp ứng, Linh đột ngột bỏ việc không làm. Suốt một thời gian bật vô âm tính, Linh bất chợt trở về xin vợ chồng anh Sơn cho mình được làm lại, thấy gia cảnh tội nghiệp anh chị lại mủi lòng cho Linh vào làm lại. Nhưng không ngờ lần này niềm tin vợ chồng anh Sơn đã đặt nhằm chỗ, anh chị nào có biết lần quay lại này Linh đã lên sẵn kế hoạch làm cho gia đình một phen điêu đứng khi cưỡm đi 20 lượng vàng và hơn 90 triệu đồng.
Do biết được thói quen sinh hoạt và giờ giấc đi làm của gia chủ, khoảng 7h30 ngày 26/9/2011 Linh bắt đầu hành động bước đầu tiên. Biết vợ chồng anh Sơn có việc về trễ, Linh liền rời khỏi nhà đến khu vực bến xe An sương (Quận 12) rồi nhanh chóng làm quen với Nguyễn Ngọc Hải là thợ sửa khóa; sau một hồi nói chuyện, Linh vui vẻ hỏi xin số điện thoại của Hải để thực hiện ý đố xấu xa của mình. Linh ung dung về nhà trong lòng mừng thầm vì kế hoạch sắp thành hiện thực.
Về đến nơi, Linh vội vã gọi điện cho Hải. Linh tự nhận mình là chủ nhà, do quên mật mã két sắt nên cần Hải mở khóa gấp. Tưởng thật, Hải hì hục mở một cách nhiệt tình nhưng két sắt vẫn “bướng bỉnh” không nghe lời khiến Linh ngán ngẫm. Thấy “bà chủ nhà” thất vọng, sợ mất uy tín Hải liền giới thiệu Linh cho đồng nghiệp của mình đến phá khóa. Linh vui vẻ lộ ngay ra mặt, lập tức gọi điện cho thợ sửa này và yêu cầu đến gấp. Sau một hồi vã mồ hôi với nó, chiếc két sắt bất lực nằm gọn vào ý đồ của Linh.
Trả tiền công xong, Linh thấp thỏm đứng nhìn 2 người thợ sửa khóa ra về cho đến khi mất dạng rồi nhanh tay “quét” hết số vàng, tiền của chủ nhà. Đạt được ý đồ, Linh "ẵm" tất cả chiếm lợi phẩm vừa thu được cao chạy xa bay ra khỏi căn nhà và đến tá túc tại BV Ung Bứu (quận Bình Thạnh) bốn đêm rồi phi tang tài sản cướp được.
Làm “diễn viên” trước vành móng ngựa
Khép nép tỏ vẻ thành thật khai nhận hành vi trộm cắp của mình có khi ô sin này sụt sùi rơi lệ. Nhưng đó chỉ là màn hài kịch vụng về mà Linh tạo ra, cái vỏ bọc nhu mì đóng sau sự ma mãnh.
Bởi cái ranh giới giữa người xấu và tốt được Linh mang ra bàn bạc trước phòng xử. Cái tình người của Linh đáng trân trọng biết bao khi nghe bạn bè gặp hoạn nạn đã vội vã mượn chủ nhà 150 triệu đồng lo cho bạn khi mà bản thân mình mới chỉ làm việc 15 ngày. Linh nói như đưa ra một lời biện minh cho sự sai trái của mình được bắt nguồn từ lòng tốt: “Vì bạn bị cáo là ân nhân đã cứu sống và cưu mang cuộc đời của mẹ con bị cáo”. Linh mạnh dạn nói to trước phiên tòa rằng sống phải biết trả ơn rõ từng lời một.
Cả phòng xử bỗng giật bắn người, họ ngơ ngác nhìn nhau rồi như hiểu ra được điều gì đó nên nhếch mép cười. Linh tiếp tục nói, từng lời lẽ rất suông câu, có lúc trầm lúc lại bổng không có một lời nào bị vấp. Linh tua đi tua lại như đoạn băng ghi âm đã bị nhão. Nghe ở phía sau lưng mình có tiếng cười xỏ xiên, Linh vội nhún vai, rướm người lên cao, khép nép.
Vị chủ tọa có vẻ không hài lòng vì cái giáo lý “rỗng tuếch” của Linh, thẳng thừng phán hỏi: “Thế, khi lấy đi của người ta hơn 90 triệu và 20 lượng vàng SJC, bị cáo có nghĩ đến cái ơn của chủ nhà không?”. Linh giật mình, vội vàng khúm núm, đỏ mặt.
Linh khai nhận khi lấy số tài sản của chủ nhà, Linh lang thang khắp nơi trong thành phố. Linh vào bệnh viện Ung bướu TP.HCM ngủ qua đêm cho đến sáng thì phát hiện số tài sản trộm được đã không cánh mà bay. Cùng một lần mất nhưng Linh khai ở nhiều chỗ khác nhau, lúc thì ở Bệnh viện Ung Bướu lúc thì ở chợ Bà Chiểu... lời khai bất nhất, sự phẫn nộ tức giận của gia đình bị hại yêu cẩu HĐXX điều tra lại sự việc để làm sáng tỏ số tài sản bằng tất cả xương máu, tâm huyết của mình làm ra hiện giờ đang ở đâu... khiến phiên xử hôm đó giờ nghị án kéo dài hơn mọi khi.
Dù có quanh co chối tội, tỏ ra mình là người có nghĩa với bạn bè nhưng Linh cũng không thoát khỏi lưới pháp luật, vi phạm pháp luật thì phải trả giá. HĐXX tuyên phạt Linh 16 năm tù về hành vi trộm cắp tài sản. Phiên tòa kết thúc, có tiếng người xì xào, bàn tán. Mọi người nhẹ nhõm bước khỏi phòng xử án ra về, vợ chồng anh Sơn vẫn cố nán lại để nhìn lại Linh lần cuối bằng ánh mắt hờn trách. Riêng Linh lửng thửng bước đi chậm chạp, đôi mắt mơ màng, khó hiểu.
PNVN